News

Di sản văn hoá phi vật thể ở Quảng Nam: Mất dần đời sống thực tiễn
Hội đồng Di sản quốc gia vừa công nhận 4 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia tại tỉnh Quảng Nam vào đầu tháng 9.2014. Trong đó, ngoài di sản phi vật thể là Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được ở xã miền biển Bình Triều (huyện Thăng Bình), 3 di sản còn lại đều thuộc về các hoạt động văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ở dãy Trường Sơn, gồm Nghề dệt thổ cẩm và Vũ điệu Tâng Tung Ya Yă của đồng bào Cơ Tu; Nghệ thuật trang trí trên cây nêu (ngoài sân); bộ gu (trong nhà) của đồng bào Co.

Sự công nhận các hoạt động văn hoá tinh thần này của cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng tây Quảng Nam là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia được đánh giá cao, tuy nhiên cũng là quá chậm so với tốc độ suy thoái, mất dần tính nguyên bản của các di sản này.

Mất rồi mới thấy quý

Các di sản văn hóa phi vật thể vừa được công nhận lưu giữ nhiều giá trị độc đáo, như lễ rước cộ Bà (tổ chức vào mùng 10 và 11 tháng giêng) thể hiện đậm nét giao lưu văn hoá Chăm - Việt. Riêng vũ điệu tâng tung ya yă (vũ điệu dâng trời) là nghệ thuật diễn xướng nổi trội trong kho tàng văn hoá dân gian Cơ Tu, dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, nghệ thuật trang trí của đồng bào Co khu vực giáp ranh Quảng Nam - Quảng Ngãi là công trình sáng tạo tập thể đặc sắc.


Nhà Gươil - nhà sinh hoạt cộng đồng truyền thống của người Cơ Tu - đã bị... bêtông hóa, tôn hóa, lạc lõng giữa rừng. ảnh: Thanh Hải

Đây có thể nói là tín hiệu mừng đối với ngành văn hóa Quảng Nam, là một trong những cơ hội để khôi phục lại nét văn hóa truyền thống đang bị mai một, suy thoái nhanh trong quá trình hội nhập. Kể từ ngày đường Hồ Chí Minh được xây dựng, hạ tầng cơ sở các huyện miền núi, đặc biệt là giao thông phát triển mạnh, tuy nhiên bản sắc văn hoá của người bản địa lập tức bị biến dạng, lai căng, thậm chí bị mất dần. Những nhà gươil tráng lệ, những nhà mồ huyền bí của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn giờ rất hiếm. Những di sản phi vật thể chỉ còn là diễn trò làm du lịch, phi đời sống thực tiễn. Ngoài sự lai căng văn hóa một cách lố lăng, tự phát từ người dân như đặt tên con theo tên các diễn viên, nhân vật trong phim Hàn Quốc khó trách, thì ngay cơ quan quản lý văn hóa của nhà nước cũng tự làm biến dạng nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Các công trình văn hóa như nhà sinh hoạt cộng đồng, gươil… sử dụng nguồn vốn từ ngân sách đã áp đặt kiến trúc hiện đại, bêtông hóa hoặc tôn hóa khi xây dựng.

Giữ làng mới bảo tồn được văn hóa

Việc phát hiện, bảo tồn các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể là xuất phát từ cơ sở, nhưng “phá hỏng” các giá trị văn hóa này cũng từ cơ sở, địa phương nếu không có cách làm đúng. Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu là vốn văn hóa đặc sắc, đã được người dân tự phát khôi phục. Từ năm 2001, được sự giúp đỡ của tổ chức phi chính phủ “Cứu trợ - phát triển quốc tế - FIDR”, hợp tác xã dệt thổ cẩm của người Cơ Tu tại làng Za Ra, xã Tabhing (huyện Nam Giang) đã được khôi phục, hoạt động. Không chỉ là cơ sở để bảo tồn văn hóa, đây còn là điểm đến du lịch, tạo công ăn việc làm cho gần 50 phụ nữ địa phương. Tuy nhiên, do “chạy theo thị trường”, đến nay, cơ sở dệt Za Ra đã “rã đám”. Du khách, khách hàng đã thất vọng bởi “điểm đến” này chỉ là nơi diễn trò, bán hàng rởm, vải nhập ngoại…

Bí thư huyện ủy Tây Giang - ông Briu Liếc - người có tâm huyết về bảo tồn và phát triển văn hóa Cơ Tu - cho biết, “chúng tôi rất vui mừng khi được nhà nước công nhận một số sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc mình là di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên công nhận không thì chưa đủ. Bảo tồn theo kiểu “hô khẩu hiệu” đôi khi thúc đẩy nhanh sự suy thoái”. Ngay vũ điệu tâng tung ya yă là nghệ thuật diễn xướng nổi trội trong kho tàng văn hoá dân gian Cơ Tu mà các nhà văn hóa, cán bộ nghiên cứu cũng ghi sai chính tả (là Tâng tung da dá) thì nói gì đến bảo tồn - ông Briu Liếc nói.

Theo ông Briu Liếc, muốn bảo tồn tốt di sản văn hóa phi vật thể vốn là sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của người Cơ Tu, trước hết là phải quy hoạch, xây dựng lại làng. Khi nào duy trì được làng bản cũ thì không cần chính sách bảo tồn, chẳng cần công nhận di sản thì tự thân người dân đã bảo tồn vốn văn hóa truyền thống quý giá của mình. Gốc gác của mỹ tục, vốn văn hóa là văn hóa làng. Rất may, trên những bản làng ở tận vùng núi cao, khuất nẻo đường đi, giao thông trắc trở thì văn hoá còn được bảo tồn. Vốn quý về văn hoá dân gian giờ chỉ nguyên bản trên những vùng núi hoang vu!

Theo Lao Động

Royal Family Hotel Danang
Chat Facebook