News

Ba thành phố lớn đón nhận nguồn cung khách sạn khủng

Ba thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng sẽ đón nhận một nguồn cung khách sạn rất lớn với khoảng 8.000 phòng cao cấp sẽ được hoàn thiện trong vòng từ 1-5 năm tới. Điều này khiến các ông lớn trên thị trường khách sạn rơi vào vòng xoáy cạnh tranh, còn khách hàng lại có nhiều sự lựa chọn hơn về chỗ ở và các gói khuyến mãi.

3 thành phố đua nhau mở khách sạn

Báo cáo cập nhật về thị trường khách sạn của CBRE mới đây cho thấy, Hà Nội sẽ đón nhận nguồn cung khổng lồ với khoảng 4.200 phòng khách sạn (chủ yếu 4-5 sao) sẽ đi vào hoạt động trong vòng 3 đến 5 năm tới. Trước mắt, trong nửa cuối năm 2014, 2 khách sạn 5 sao sẽ đi vào hoạt động gồm Lotte Hotel Hanoi (318 phòng - ảnh) và khách sạn 5 sao ở Keangnam Landmark 72 (359 phòng).

Tại TPHCM, đến năm 2016, ước tính sẽ có thêm khoảng 9 khách sạn cao cấp đi vào hoạt động, cung cấp cho toàn thị trường thêm 1.908 phòng. Trong số này, dự án khách sạn Liberty Central (59-61 Pasteur) đang trong giai đoạn hoàn thiện và khi hoàn thành vào tháng 10.2014, khách sạn này sẽ cung cấp thêm 180 phòng khách sạn 4 sao.

Khách sạn Eden ở quận 1, sau một thời gian lên kế hoạch để chuyển đổi công năng hạng mục khách sạn sang văn phòng cho thuê, chủ đầu tư hiện đã quyết định giữ nguyên công năng khách sạn như kế hoạch ban đầu. Khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại cho thị trường thêm 300 phòng khách sạn 5 sao. Trong khi đó 2 khách sạn khác là MGallery và Viettel cũng vẫn đang duy trì tốc độ xây dựng tốt.

Tại Đà Nẵng, trong năm 2014 và năm 2015 sẽ có khoảng 1.698 phòng khách sạn ven biển mới ra đời và 652 phòng khách sạn mới trong thành phố. Hầu hết các khách sạn mới này thuộc phân khúc 3 và 4 sao. Còn với khách sạn 5 sao, do thời gian thi công dài hơn nên chưa sẵn sàng đưa ra thị trường cho đến năm 2016 và năm 2017.

Không lo thừa nguồn cung

Nguồn cung tăng mạnh có thể làm dấy lên lo ngại về khả năng thừa cung, khiến cho cạnh tranh giữa các khách sạn trong cùng phân khúc cũng như giữa các phân khúc sẽ trở nên căng thẳng hơn so với năm 2014. Thế nhưng CBRE vẫn giữ quan điểm lạc quan chỉ ra nhiều tín hiệu đáng mừng xuất hiện từ nửa đầu năm vừa qua.

Trong quý II/2014, thị trường khách sạn Việt Nam nhìn chung chứng kiến kết quả hoạt động khả quan nhưng thiếu đồng nhất trong mức độ tăng trưởng tại các thị trường địa phương và các phân khúc.

Phân khúc khách sạn 5 sao tại Hà Nội chứng kiến tỉ lệ tăng trưởng RevPAR (doanh thu theo phòng) cao nhất lên đến 32,4% trong quý II so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê phòng bình quân của phân khúc này cũng tăng mạnh 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó TPHCM và Đà Nẵng lại chứng kiến sự sụt giảm RevPAR do cả công suất phòng và ADR (giá phòng bình quân theo ngày) đều giảm.

Tuy nhiên, phân khúc 4 sao tại TPHCM vẫn cho thấy mức tăng trong số lượng đặt phòng so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các khách sạn đạt công suất phòng cao nhất trong quý đều thuộc phân khúc 4 sao này. Điều này là nhờ chất lượng phục vụ tốt, giá cả phải chăng hơn và các gói khuyến mãi hấp dẫn áp dụng ở các khách sạn này.

Còn tại Đà Nẵng, so sánh cùng kỳ năm trước, doanh thu phòng bình quân của các khách sạn ven biển 5 và 4 sao giảm lần lượt là 5,4% và 19,8% do sự sụt giảm của công suất phòng. Thế nhưng, sự tăng trưởng của khối khách nội địa cùng với danh tiếng tốt của các khách sạn trong thành phố đã làm tăng công suất phòng tại hầu hết các khách sạn trong thành phố so với quý trước và cả năm trước. Doanh thu phòng bình quân của các khách sạn 5 và 4 sao trong thành phố cũng tăng lần lượt 9.1% theo quý và 25,4% theo năm. Những dấu hiệu tích cực từ các đường bay quốc tế hứa hẹn sự cải thiện trong lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng, tăng thêm triển vọng kinh doanh cho các khách sạn tại thành phố này.

Theo Lao Động

Royal Family Hotel Danang
Chat Facebook